Nhà Của Pao: Nét Văn Hoá Độc Đáo Của Dân Tộc H'Mông

Ngày đăng: 2023-05-25 19:41:26

Trong vô số các bản làng, ngôi nhà bạn đi qua khi đến với Hà Giang, thì nhà của Pao là một điểm dừng chân đặc biệt và vô cùng độc đáo. Vậy bạn đã biết gì về ngôi nhà này? Có điểm gì hấp dẫn ở ngôi nhà này? Điều này sẽ được bật mí ngay sau đây.

Ngôi nhà cổ đã trải qua rất nhiều năm nhưng vẫn giữ được sự kiên cố.

Một vài thông tin nên biết về nhà của Pao ở Hà Giang

Đi du lịch Hà Giang, bạn sẽ được mọi người giới thiệu đến nhà của Pao. Và bạn chắc chắn cũng như nhiều người sẽ đưa ra những thắc mắc như: Tại sao địa điểm này lại được nhiều người biết đến như vậy? Ngôi nhà này có phải là một công trình văn hóa, mang tính lịch sử? Pao là ai có phải là trưởng bản? Chắc chắn, bạn sẽ không khỏi có những thắc mắc khi nghe nhắc đến địa điểm này.

Nhà của Pao nổi tiếng do đâu?

Nhà của Pao chính là ngôi nhà được lựa chọn làm địa điểm ghi hình chính của bộ phim điện ảnh "Chuyện của Pao". Bộ phim điện ảnh này được công chiếu vào năm 2006 và đã đạt được giải Cánh Diều Vàng cho hạng mục phim điện ảnh xuất sắc nhất trong năm.

Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn có tên "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của tác giả Đỗ Bích Thủy. Bộ phim do đạo diễn Ngô Quang Khải thực hiện.

Sau khi công chiếu, bộ phim đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả và trở thành phim ăn khách nhất ở thời điểm lúc bấy giờ. Và kể từ đó, ngôi nhà này trở thành điểm dừng chân được nhiều bạn trẻ và khách du lịch ghé thăm mỗi khi đến với vùng đất địa đầu Tổ quốc này.

Ngôi nhà được biết đến khi bộ phim Chuyện của Pao được công chiếu.

Pao là ai?

Pao là nhân vật chính trong bộ phim "Chuyện của Pao", là một cô gái người H'mông xinh đẹp. Cô sinh ra trong một gia đình có bố mẹ và 1 người em trai. Nhưng người nuôi Pao từ nhỏ và luôn hết lòng yêu thương cô lại chính là người mẹ nuôi.

Sau biến cố người mẹ nuôi tự tử bất ngờ, cuộc sống của cô liên tục xuất hiện những chuyện không vui. Cô quyết định đi tìm lại người mẹ đẻ của mình. Kể từ đó, những chuyện bí mật trong gia đình cô được vén màn dần.

Với lối diễn xuất tự nhiên và nhẹ nhàng, vai diễn Pao đã lấy đi của người xem không ít nước mắt. Cuộc sống của nhân vật này đã thể hiện rõ nét văn hóa, đời sống và tinh thần của người dân H'mông ở vùng núi đá cao nguyên.

Nhân vật chính Pao trong phim, xinh đẹp nhưng cuộc đời long đong.

Chủ nhân thực sự nhà của Pao là ai?

Chủ nhân của ngôi nhà này chính là ông Mua Súa Páo. Ông là người có vai vế trong khu vực Tây Bắc. Thời lời kể của dân làng, ông Páo từng giữ chức trung đội trưởng của đội quân vua Mèo trong giai đoạn trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1947, chính ông Súa Páo đã thuê những người thợ giỏi nhất trong vùng xây dựng. Và cũng mất mấy năm kiền, ngôi nhà mới được xây hoàn thiện. Vào thời điểm đó, nhà của Pao là ngôi nhà hoành tráng nhất ở khu vực Sủng Là.

Nhà của Pao ở đâu Hà Giang?

Nhà nằm ở thôn Lũng Cẩm trong thung lũng Sủng Là thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn Hà Giang. Ngôi nhà này thuộc làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, nằm ở phía cuối con đường. Địa chỉ này cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 122km và nằm cách thị trấn Đồng Văn khoảng 25km.

Làng văn hóa nằm ở cạnh quốc lộ 4C nên bạn sẽ dễ dàng di chuyển đến đây và tham quan được nhiều địa điểm du lịch trên suốt dọc đường đi.

Ngôi nhà nằm trong làng văn hóa Lũng Cẩm gần quốc lộ nên di chuyển dễ dàng.

Đường di chuyển đến nhà của Pao từ thành phố Hà Giang

Mặc dù, địa điểm du lịch này nằm cách khá xa trung tâm thành phố, phải mất khoảng 4 giờ di chuyển mới đến nơi. Nhưng cung đường đi thì rất thuận tiện và dễ dàng.

Cung đường di chuyển

Từ trung tâm Hà Giang, bạn sẽ có 2 lựa chọn đến ngôi nhà của Pao. Đó là:

Lựa chọn 1: Thành phố Hà Giang, dốc Bắc Sum, huyện Quản Bạ, Cán Tỷ, rừng thông Yên Minh, huyện Đồng Văn, phim trường Chuyện của Pao.

Cung đường di chuyển này có chiều dài 122km. Nếu đi bằng xe máy, bạn phải mất 4 giờ mới có thể đến địa điểm này. Nhưng dọc đường đi, bạn sẽ được tham quan, khám phá nhiều địa điểm nổi bật như Thạch Sơn Trần, núi đôi Quản Bạ, cổng trời Quản Bạ, cây cô đơn, thành cổ Cán Tỷ,...

Song nếu lựa chọn di chuyển theo lộ trình này, bạn sẽ phải vượt qua dốc Bắc Sum. Đây là một con dốc khá khó đi. Bản thân bạn cần phải chắc tay lái nếu bạn chọn đi qua đây.

Lựa chọn 2: Thành phố Hà Giang, xã Thuận Hòa, xã Lũng Pù, xã Lùng Tám, xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, phim trường Chuyện của Pao.

Cung đường di chuyển có chiều dài 1344km. Nếu đi bằng xe máy, bạn sẽ mất khoảng hơn 4 giờ. Mặc dù, lộ trình này di chuyển xa hơn một chút, nhưng đường đi ít dốc, ít đèo, bằng phẳng nên phù hợp với mọi người. Tay lái có yếu, thì bạn vẫn có thể đi được, miễn là bạn chú ý quan sát khi di chuyển.

Bạn sẽ có hai cung đường khi di chuyển đến Nhà của Pao.

Phương tiện

Với lộ trình đi lại ở trên, bạn có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô đều được. Đa phần khách di chuyển bằng ô tô từ thành phố là họ đi theo tour. Còn với những người đi xe khách, nếu không đi tour thì có thể thuê xe máy Hà Giang và di chuyển đến phim trường.

Ở trung tâm thành phố có nhiều cửa hàng cho thuê xe máy, bạn có thể tham khảo dịch vụ và thuê xe tại đây. Còn với dân phượt, thì bạn có thể sử dụng xe máy của chính mình để di chuyển.

Để đảm bảo có một chuyến đi an toàn và đúng theo kế hoạch, bạn nên tìm hiểu và lựa chọn một cơ sở thuê xe máy có uy tín và đảm bảo chất lượng. Thông thường, giá thuê xe máy ở đay dao động 150.000 đồng - 200.000 đồng/xe/ngày.

Nhà của Pao có gì khác biệt?

Tất nhiên, không phải là một ngôi nhà bình thường. Vì nếu nó giống với các ngôi nhà khác, thì đây đã không được lựa chọn làm nơi thực hiện bộ phim Chuyện của Pao. Vậy sự đặc biệt của ngôi nhà nằm ở đâu?

Sự cổ kính với những nét văn hóa đậm chất của người Mông.

Kiến trúc độc đáo có lịch sử lâu đời

Cho đến thời điểm hiện tại, phim trường vẫn là ngôi nhà trình tường lớn nhất ở khu vực này. Đây được xem là "biệt thự cổ" với tuổi đời lên đến 80 năm. Ngoài mang lại giá trị tư tưởng, nơi lưu giữ văn hóa của người Mông, thì ngôi nhà còn là bảo vật của người dân tộc nơi đây.

Nhà có 3 gian gồm 1 gian chính và 2 gian phụ được xây dựng theo hình chữ U. Gian chính được xây thành 2 tầng với một phòng khách và nhiều phòng để ở. Còn gian phụ được chia ra thành các phòng nhỏ hơn sử dụng để dự trữ lương thực, làm chỗ nấu ăn và nuôi gia súc, gia cầm.

Ngôi nhà được làm bằng các trụ gỗ quý hiếm, đắp đất xung quanh và lợp mái ngói. Phía trước nhà có khoảng không gian sân vườn. Phần sân của nhà được lát đá nên khá bằng phẳng và sạch sẽ kể cả khi trời mưa.

Điểm nhấn ấn tượng của ngôi nhà là chiếc cổng gỗ có lợp mái ngói ở trên. Thay vì sử dụng then chốt bằng sắt, người dân ở đây sử dụng bản lề gỗ để làm then cài. Theo quan niệm của người dân, việc sử dụng then sắt sẽ không thể hiện được thiện chí, lòng tốt và sự hiếu khách của chủ nhà. Bởi đồ dùng này nếu làm bằng sắt thì cũng như dao kiếm rất nguy hiểm.

Chắc chắn, nhiều bạn khi đến đây sẽ không khỏi rời mắt trước hàng rào được làm bằng đá xếp rất thẳng hàng và đẹp mắt. Đặc biệt, những viên đá này không sử dụng bất kỳ một nguyên liệu kết dính nào và được làm thủ công hoàn toàn, nhưng vẫn rất chắc chắn.

Hút mắt du khách ngay từ những bức tường bao xung quanh.

Tìm hiểu cách sống của giới vọng tộc thời xưa

Trưởng bản Lũng Cẩm cho biết, dòng họ của ông Páo thuộc giới "danh gia vọng tộc" ở khu vực Sủng Là. Ngôi nhà cổ với thiết kế độc đáo trở thành "tứ đại đồng đường" tại vùng núi đá Hà Giang. Cho đến thời điểm hiện tại, ngôi nhà đã trải qua 4 thế hệ sinh sống.

Trong căn nhà hiện nay có 2 gia đình sinh sống gồm gia đình anh Mua Pái Tùa, đây là cháu nội của ông Páo và gia đình ông Mua Sín Già, cháu ruột của ông Páo (gọi ông là bác).

Sau khi người con trai mất vào năm 1979, ông Páo cũng qua đời sau đó một thời gian ngắn. Anh Tùa là cháu trai nên đứng ra làm trụ cột, quán xuyến mọi việc trong gia đình. Anh đã làm rất nhiều các công việc khác nhau ở vùng biên giới để kiếm tiền. Chị Lý Thị Chúa vợ anh thì ở nhà chăm con và làm nương rẫy.

Hiện tại ngôi nhà có hai gia đình trong dòng họ nhà ông Púa sinh sống.

Riêng ông Sín Già có 2 người vợ. Người vợ đầu không có con nên đã tìm vợ 2 cho ông. Hiện tại, con cái của ông đã khá đông đủ. Ông và con cháu hàng ngày ở nhà đón khách du dịch tham quan ngôi nhà. Còn 2 người vợ của ông thì vẫn lên nương làm rẫy mỗi ngày.

Rất nhiều đồ vật làm bằng đá xưa cũ vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Bạn sẽ nhìn thấy cối đá giã gạo, bồn đựng nước, cối xay ngô,...khi đến đây. Trong phòng khách của ngôi nhà có treo các bức ảnh chân dung dạng đen trắng của những thế hệ trong gia tộc ông Páo.

Khám phá cuộc sống và nét văn hóa của người dân

Thung lũng Sủng Là không chỉ có người Mông sinh sống, mà đây còn là nơi sinh sống của người Lô Lô và người Hán. Các ngôi nhà ở đây vẫn còn giữ nguyên nét cổ xưa với chỉ 36 hộ dân sinh sống giữa không gian thiên nhiên hùng vĩ nơi cao nguyên Đồng Văn.

Đến thăm quan nhà Pao, bạn sẽ được nhìn thấy hình ảnh những người dân vẫn ngày ngày tần tảo lên nương làm rẫy hay hình ảnh của các em bé vùng cao đang nô đùa giữa khung cảnh bình yên.

Những ngôi nhà ở đây hầu hết đều được làm thủ công với vật liệu chính là các loại gỗ quý. Tường rào bao quanh được làm bằng đá trông rất kiên cố và vững chắc. Những chiếc mái ngói lợp theo kiểu âm dương đẹp mắt và thể hiện rõ nét văn hóa địa phương.

Chiêm ngưỡng cảnh sắc ngập tràn hoa

Nếu dừng chân ở Sủng Là, bạn không chỉ được check in với nhà của Pao, mà bạn còn có cơ hội ngắm nhìn không gian ngập tràn sắc hoa. Những cánh đồng bạt ngàn hoa tam giác mạch nếu đến đây vào tháng 10 hoặc tháng 11. Thời gian này nơi đây còn tổ chức các lễ hội vô cùng đặc sắc.

Hoa không chỉ có ở ngoài ruộng, trên cánh đồng, mà còn được để nơi bờ hiên của ngôi nhà.

Nếu đi vào tháng 12 hoặc đầu tháng 1, bạn sẽ được ngắm hoa cải vàng. Ở trước cổng hay trong hiên nhà Pao vào thời gian này có đặt các gùi hoa cải. Bạn hoàn toàn có thể chụp được những bức hình check-in rất đẹp.

Còn nếu bạn không thể sắp xếp lịch đi vào các tháng kể trên, bạn có thể đi vào tháng 5 mùa nước đổ hoặc tháng 9 mùa lúa chín Hà Giang. Những cánh đồng nơi đây có trồng thêm các hàng cây sa mộc thẳng đứng tạo nên một khung cảnh khác biệt.

Thời gian đẹp nhất để tham quan phim trường Chuyện của Pao

Thung lũng Sủng Là vẫn được ví là "ốc đảo trên cao nguyên đá", nên dù đến đây vào thời gian nào bạn cũng được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tràn đầy nhựa sống ở nơi đây.

Nhưng theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang được mọi người chia sẻ, thì thời điểm đẹp nhất để du ngoạn phim trường là từ tháng 9 đến tháng 1. Thời điểm này thời tiết đẹp, ít mưa, nắng nhẹ và không quá lạnh, rất thích hợp cho bạn đi chuyển và ngắm cảnh.

Đẹp nhất vẫn là đến nhà của Pao Hà Giang vào mùa hoa.

Ngoài ra, thời gian này ở đây có nhiều loại hoa đua nhau khoe sắc. Bạn có thể vừa được check in nhà Pao, vừa ngắm hoa và chụp ảnh cùng với các loại hoa. Đây sẽ là một trải nghiệm cộng hưởng thực sự tuyệt vời.

Vé thăm quan nhà Pao là bao nhiêu?

Thăm nhà Pao có mất phí không? Câu hỏi này cũng là thắc mắc của rất nhiều người. Hiện tại, nếu bạn tham quan làng văn hóa Lũng Cẩm thì sẽ không mất phí. Nhưng nếu bạn muốn tham quan khu vực bên trong phim trường nhà Pao, bạn sẽ mất vé vào cửa là 10.000 đồng/người.

Trẻ em trên 1m2 sẽ mất vé, còn trẻ dưới 1m2 sẽ được miễn phí vé vào. Vé tham quan có bán tại cổng của ngôi nhà.

Bạn sẽ mất vé khi vào tham quan ngôi nhà.

Ngoài ra, một số vườn hoa ngay trước cổng của ngôi nhà sẽ thu phí chụp ảnh. Phí chụp ảnh tại vườn hoa dao động khoảng 10.000 đồng - 30.000 đồng/người. Nếu bạn có nhu cầu, bạn có thể thuê trang phục dân tộc tại đây để chụp ảnh, giá thuê khoảng 30.000 đồng/bộ.

Điều bạn cần biết khi thăm nhà của Pao

Những người dân tộc thiểu số nói chung, người dân Lũng Cẩm và người nhà ông Páo nói riêng đều rất thân thiện. Họ luôn tươi cười và niềm mở với tất cả mọi người khi đến đây. Song người dân ở đây có một số điều kiêng kỵ mà bạn nhất định không thể không biết.

Trong trang phục

Các dân tộc thiểu số hay người Mông sinh sống tại Hà Giang đều kỵ với vải lanh trắng. Bởi loại vải này thường được sử dụng trong đám tang. Do vậy, khi bạn mặc những trang phục làm bằng loại vải này đến đây, thì đó là dấu hiệu của một điều không tốt.

Do đó, bạn nên tránh mặc trang phục may bằng vải lanh trắng khi tham quan làng văn hóa Lũng Cẩm hoặc các bản vùng cao khác. Bạn có thể lựa chọn những bộ trang phục có tông màu nổi bật. với tông màu này bạn sẽ không phạm vào điều cấm kỵ ở đây, mà lại có được những bức ảnh triệu lượt thích.

Trong hành động

Khi dạo quanh, vãn cảnh ở bản, bạn không nên cười nói quá to, không được huýt sáo, vứt rác bừa bãi hay tự ý hái hoa trong vườn. Bởi những hành động này, người dân ở đây họ không thích, nhất là hành động huýt sáo có thể gọi thú dữ, bão giông, ma quỹ gây nhiễu loạn làng.

Trong trường hợp, bạn đi ngang qua nhà của người dân tại đây mà thấy có treo chùm lá cây hoặc con dao dấu, thì bạn tuyệt đối không nên vào nhà. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhà này đang có người ở cữ hoặc đang làm lễ xua đuổi tà ma. Người Mông thường không chào đón khách vào nhà trong những trường hợp này.

Nếu bạn không biết hoặc không nhìn thấy cọc dấu mà vô tình vào nhà có người đang ở cữ, thì khi đi ra, bạn phải để lại một vật dụng cá nhân của bản thân. Theo quan niệm của người Mông, nếu bạn đi ra mà không để lại đồ vật gì, thì linh hồn của đứa trẻ có thể đi theo bạn và khiến đứa trẻ đó ốm yếu dần đi.

Khi vào bên trong tham quan không gian nhà Pao. Bạn dù đã mua vé nhưng cũng cần xin phép chủ nhà trước khi vào bên trong nhà. Bạn không nên chạm vào các đồ vật ở trong nhà. Bạn cũng không nên tựa hoặc dựa vào cột nhà, không đứng giữa cửa của ngôi nhà, nhất là cột cái và cửa chính. Bởi đây là những nơi mà các vị thần và ma trong nhà trú ngụ.

Bên cạnh đó, các ghế đầu trong phòng khách bạn cũng không nên ngôi vào. Những chiếc ghế này được dành cho bố mẹ, cho dù bố mẹ đã mất, thì vị trí đó vẫn không ai được ngồi.

Tránh ngồi ghế đầu và tránh đứng trước cửa chính hay tựa vào cột nhà.

Trong giao tiếp

Khi bạn nói chuyện không nên nói những từ Mèo hay Mán. Những từ ngữ này có thể khiến người dân hiểu lầm bạn đang nói về họ. Khi nói chuyện, bạn cũng nên từ tốn, nhẹ nhàng, không nói quá to hoặc có những cử chỉ thiếu lịch sự.

Khi thấy trẻ em ở đây, cho dù có dễ thương và đáng yêu đến cỡ nào, bạn cũng không nên xoa đầu và ôm ấp. Hành động này với người dân ở đây có thể khiến trẻ bị đau ốm. Vì người lạ sẽ có vía lạ.

Với một công trình kiến trúc nổi bật và mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, vùng miền, thì nhà của Pao thực sự là một điểm dừng chân lý tưởng cho những người yêu thích khám phá và trải nghiệm. Đừng quên lưu lại hành trình của bản thân trên vùng núi đá này nhé!


Có thể bạn quan tâm

Review 4 Nhà Nghỉ Ở Hoàng Su Phì Dịch Vụ Tốt, Chi Phí Hợp Lý

Review 4 Nhà Nghỉ Ở Hoàng Su Phì Dịch Vụ Tốt, Chi Phí Hợp Lý

Nhà nghỉ ở Hoàng Su Phì là loại hình nghỉ ngơi phổ biến tại huyện nhỏ thơ mộng này của Hà Giang địa đầu Tổ quốc. Cùng chúng tôi điểm qua những cái tên nhà nghỉ ở Hoàng Su Phì có chất lượng được đánh giá cao nhất nhé! Nhà...

Khu Nghỉ Dưỡng Bắc Mê Hà Giang: Địa Chỉ, Chi Phí, Dịch Vụ

Khu Nghỉ Dưỡng Bắc Mê Hà Giang: Địa Chỉ, Chi Phí, Dịch Vụ

Khu nghỉ dưỡng Bắc Mê Hà Giang - Resort P'apiu là điểm dừng chân cao cấp và tiện nghi dành cho du khách khi đến với Hà Giang địa đầu Tổ quốc. Hãy cùng chúng tôi khám phá các dịch vụ thú vị ở khu nghỉ dưỡng Bắc Mê Hà Giang này...

Top 5 Khách Sạn Hoàng Su Phì View Cực Đỉnh, Giá Hấp Dẫn

Top 5 Khách Sạn Hoàng Su Phì View Cực Đỉnh, Giá Hấp Dẫn

Khách sạn Hoàng Su Phì đã được nâng cấp nhiều về chất lượng bởi những năm gần đây, Hoàng Su Phì trở thành địa điểm thu hút đông đảo các khách du lịch khi tới thăm Hà Giang địa đầu Tổ quốc. Chần chừ gì mà không tham...

Bạn cần tư vấn, vui lòng liên hệ

0915 635 969 - 0915 635 969 (Zalo) Hoặc yêu cầu thiết kế Tour riêng

Đối tác của chúng tôi